Dũng “khùng”: Tôi có Thanh Hằng là đủ

Không phải gã trai có dáng vẻ bề ngoài hào hoa bóng lộn, nhưng những gì mà anh đang có là mơ ước của rất nhiều anh chàng khi luôn xuất hiện bên cạnh những chân dài hàng đầu showbiz Việt.

 – “Chân dài hành động” đến tháng 7 mới bắt đầu bấm máy, đến giờ công việc chuẩn bị của anh đến đâu rồi?

 Tôi vẫn còn đang sửa kịch bản. Tôi luôn bị cái tật sửa tới sửa lui, có khi viết lại từ đầu kịch bản. Nhưng khi ra đến trường quay, tôi lại rất ghét sửa.

– Tựa đề phim cho thấy anh thiếu công bằng khi chỉ làm phim về chân dài mà quên những cô có cái chân bình bình và chân ngắn?

 Cuộc sống này vốn luôn không công bằng. Sự bất công làm nên kịch tính. Tôi thấy nhiều nhà báo đang xem các cô chân dài có vẻ không như người bình thường, đó cũng là điều bất công. Thật ra cái tên Chân dài hành động cũng là tên tạm. Vì nhân vật có Thanh Hằng và là phim hành động nên tôi đặt tạm như vậy.

 – Trong công việc, anh có khùng như nick name của mình hay rất kỹ tính?

Tôi không thuộc tuýp người quá khó tính. Tôi chỉ có cái là hay “ép” những cộng sự của mình làm được những gì mà đã tính toán, tưởng tượng.

– Nhìn anh lúc nào cũng vui vẻ, hài hước, đó là nét duyên của anh hay đó là cách để anh bù trừ lại hình thức của mình?

 Tôi chỉ ý thức là sống thì nên vui vẻ. Đầu tiên là mình phải vui và nếu làm người khác vui cùng thì sẽ tuyệt hơn.

– Trên sân khấu, Dũng “Khùng” luôn xuất hiện cùng các giai nhân chân dài và họ thường phải khom người lại cho đỡ cao hơn anh, nhưng trong đời sống anh phải có cách riêng để chính những chân dài đó phải nằm lòng chân lý “không cao nhưng ai cũng phải ngước nhìn” chứ?

Thật ra các cô chân dài khi đi với tôi họ hay khom xuống vì họ không muốn làm khó các anh quay phim và chụp hình. Còn trong đời sống thì tôi biết nhón lên. Nói thật khi xuất hiện cùng nhau trước máy quay hay máy chụp, chuyện cao thấp đúng là hơi gây khó khăn. Nhưng ngoài đời, đối với mối quan hệ trai gái thì những thứ quan trọng đa phần không phải đứng và đi, nên chuyện cao thấp lúc đó không phải là ưu tiên số 1.

– Ngày xưa người ta gọi anh “Khùng” vì cái tội anh cứ sướng lên là đôi khi không để ý đến tâm trạng của người khác. Còn bây giờ anh đã là một đạo diễn đắt giá. Anh có muốn thay đổi cái tên Dũng “Khùng” thành cái tên khác như Dũng… gì đó hay hơn?

Với tôi bây giờ, cái tên chỉ là cái gì đó để người ta ghi nhớ nên tôi cũng không cần phải đổi tên.

 – Không chỉ là đạo diễn đắt giá, anh còn xuất hiện với vai trò giám khảo rất dễ thương nhiều cuộc thi nghệ thuật, anh nghĩ nhà sản xuất họ mời anh vì lẽ gì?

 Bởi vì tôi làm việc nghiêm túc. Tôi biết mục đích của chương trình cần gì và tôi đặt mục đích của chương trình là quan trọng nhất. Tôi không bao giờ đi trễ giờ, tôi không bao giờ bỏ cuộc nửa chừng khi tôi nhận lời dù ở hoàn cảnh nào tôi cũng ý thức phải làm xong việc. Nếu có bất đồng, lần sau tôi không hợp tác nữa. Tôi không bao giờ nói xấu BTC, bởi tôi quan niệm, người chuyên nghiệp là phải biết chọn lựa công việc mình nhận, và khi đã nhận việc thì phải có trách nhiệm với người hợp tác, với sự nhận lời của mình. Tôi không tiết lộ bí mật ban tổ chức, tôi vô tư khi đánh giá theo tiêu chí của tổng thể chương trình. Chỉ có một cái là tôi lãnh lương cao, nhưng cũng chắc vì vậy mà tôi ý thức trách nhiệm của mình.

– Anh nói làm nghệ thuật phải tôn trọng cảm xúc, nhưng anh là người thường khó kìm chế cảm xúc đấy chứ?

 Cảm xúc là cái quý giá nhất của con người nên không cần phải kìm làm gì. Nhưng khi làm việc gì có ảnh hưởng đến người khác, chúng ta phải biết cảm xúc của mình có ảnh hưởng đến cảm xúc của người khác không. Nên tôi để cảm xúc thoải mái khi chỉ có một mình hay làm việc gì không ảnh hưởng đến ai, còn khi ảnh hưởng đến người khác thì phải dùng cả 2 thứ cảm xúc và lý trí.

 – Khi yêu anh sẽ như thế nào?

 Dũng “Khùng” lúc nào mà chẳng yêu. Tôi cũng không tưởng tượng nếu tôi không yêu thì sẽ như thế nào? Những gì tôi làm được tôi nghĩ đều phát xuất từ tình yêu.

– Đứng trước một cô gái đẹp, cảm xúc tự nhiên nhất của anh thường là gì?

 Cảm ơn Chúa đã tạo ra đàn bà và cho mình là đàn ông.

 Thanh Hằng được Dũng “Khùng” nhắm cho vai chính trong Chân dài hành động

 – Hồi nhỏ, anh có nghĩ sau này nghề nghiệp của mình lại được tiếp xúc và là mong mỏi của bao cô gái đẹp?

Có chứ. Thực chất khi tôi quyết định thi vào đạo diễn điện ảnh là trong đó có 30% suy nghĩ sẽ gặp được nhiều người đẹp, 70% còn lại tôi nghĩ tôi sẽ không đậu trường nào khác ngoài trường này.

– Nhiều cô người mẫu ao ước được đóng phim của anh, anh có biết mình đắt giá và tài năng như vậy?

 Phải chi các cô ấy đừng ước ao mà nói cho tôi biết thì tốt hơn. Thật ra nhiều người thích làm ca sĩ hơn là diễn viên, tôi cũng hơi buồn vì điều đó, bởi với tôi nghề diễn viên thú vị hơn nghề ca sĩ. Tôi không nghĩ mình quá tài năng nhưng tôi biết mình là người đắt giá, bởi vì tôi vẫn hay nghe các nhà sản xuất nói như vậy.

 – Có khi nào anh nghĩ mình sẽ tận dụng thế mạnh này để thường xuyên sánh bước bên các người đẹp, để chứng minh cho các quý ông to cao đẹp trai khác là “Dũng Khùng không cao nhưng nhiều người phải ngước nhìn”?

Với người đẹp, tôi nghĩ còn nhiều chuyện hay ho hơn là sánh bước và để chứng minh với các quý ông khác. Tôi không quan tâm ai đang nhìn mình và nhìn như thế nào. Tôi chỉ quan tâm tôi đang thấy gì, có thể chạm vào gì và cảm xúc như thế nào thôi.

 – Hai chân dài rất có duyên trong phim của anh là Thanh Hằng và Minh Hằng, anh thích làm việc theo êkip quen và không cho những chân dài khác cơ hội hay họ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của anh như hai cô gái này?

Thật ra có một người chân không dài mà phim nào cũng có mặt đó là Phương Thanh. Còn hai cô Hằng chỉ mới đóng 2 phim của tôi thôi.

– Muốn đóng phim của Dũng “Khùng”, phải có yếu tố gì để thuyết phục được anh?

 Chỉ cần ngoại hình và diễn xuất làm cho tôi tin đó là nhân vật mà tôi đang tưởng tượng, tiếp đó là sẵn sàng tập trung 100% cho vai diễn trong khoảng thời gian đang làm phim thôi.

– Và nếu một cô chỉ đẹp và chân rất dài ngỏ lời với anh, anh trả lời thế nào?

 Tôi sẽ trả lời: Tôi đã có Thanh Hằng chân vừa rất dài, đẹp và diễn xuất cũng khá ổn rồi, cho nên họ cần gì đó ấn tượng hơn hoặc là điều gì khác.

 

Theo Xzone

Đạo diễn trẻ Nguyễn Quang Dũng: Vừa khùng vừa mơ mộng

 

Theo CAND) Trong số những gương mặt đạo diễn trẻ có thương hiệu của điện ảnh Việt Nam hiện nay như Bùi Thạc Chuyên, Vũ Ngọc Đãng, Bùi Tuấn Dũng, Đào Duy Phúc, Ngô Quang Hải… thì Nguyễn Quang Dũng trẻ nhất về tuổi đời…

 

 Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng

Sinh năm 1978 nhưng Dũng được đánh giá là đạo diễn trẻ thành công nhất ở thị trường Việt Nam. Với ba phim truyện nhựa đầu tay, Dũng đã mang về  cho điện ảnh Việt Nam doanh thu gần 3 triệu USD. Dũng không giấu diếm là anh rất tự hào về điều này và mong muốn sẽ làm được nhiều phim hấp dẫn khán giả hơn nữa.

 Câu chuyện tiền bạc, doanh thu của điện ảnh Việt Nam từ xưa tới nay luôn là câu chuyện… tế nhị. Trong quá khứ, những phim được làm ra phần lớn do nhà nước bỏ tiền đầu tư, nên đạo diễn chỉ phải làm phim mà không phải chịu áp lực về việc phim đó kéo được bao nhiêu khán giả tới rạp và doanh thu như thế nào.

Nhưng từ khi xu hướng xã hội hóa điện ảnh bung ra, các hãng phim tư nhân được thành lập ngày càng nhiều, thì câu chuyện tiền đã trở thành một câu chuyện quan trọng hàng đầu trong một dự án làm phim. Khi nhà sản xuất quyết định bỏ tiền đầu tư làm một bộ phim, họ không thể chấp nhận việc phim chiếu một vài lần ngoài rạp rồi mang cất vào kho. Họ phải tính toán xem làm thế nào để có lãi, để có thể tiếp tục đầu tư vào các dự án khác. Đối với các hãng tư nhân, làm phim mà không có khán giả tức là đi vào con đường tự sát.

Với áp lực của thị trường như vậy, những đạo diễn trẻ như Nguyễn Quang Dũng vất vả hơn thế hệ đạo diễn cha anh ở chỗ, là ngoài khả năng chỉ đạo diễn xuất, họ phải giỏi trong việc nắm bắt thị trường, nhu cầu, thị hiếu của khán giả. Họ phải đảm bảo việc làm phim hay, có lãi thì mới hy vọng trò chuyện được với các nhà sản xuất.   

Bộ phim đạt kỷ lục doanh thu của Nguyễn Quang Dũng

 

 Bộ phim ca nhạc đã tạo được nhiều tiếng vang cho Nguyễn Quang Dũng

 Nguyễn Quang Dũng, hai yếu tố tài năng đạo diễn và khả năng tính toán của nhà sản xuất được kết hợp hài hoà. Các phim của anh như “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Nụ hôn Thần Chết”, “Giải cứu Thần Chết”, “Những nụ hôn rực rỡ”… đã thắng đậm trên thị trường vì khả năng “điểm huyệt” tốt nhu cầu, sở thích của khán giả. Để thường xuyên có cơ hội làm phim, bí quyết của Nguyễn Quang Dũng là: “Luôn luôn chuẩn bị những “âm mưu” làm phim. Khi tôi muốn làm một phim hoành tráng, nhà sản xuất rất lo sẽ không thu hồi vốn, nhưng tôi vẫn âm thầm chuẩn bị vì tôi biết thời cơ làm phim này đã rất gần.Thời điểm tôi làm phim “Nụ hôn Thần Chết”, nhà sản xuất chấp nhận ngay dự án của tôi vì đây là phim tình cảm, pha chút sex, kinh dị. Ngay trong lúc đó tôi đã nghĩ tiếp, mình sẽ làm một phim về thế giới tuổi teen, về thời đi học của mình và các mối quan hệ xã hội… Và ý tưởng phim “Giải cứu Thần Chết” ra đời”.

Có thể nói, lúc nào trong đầu óc anh chàng đạo diễn trẻ có nụ cười hồn nhiên Nguyễn Quang Dũng cũng đầy ắp “âm mưu” làm phim. Nhà sản xuất một khi đã tìm đến anh, họ biết họ có nhiều lựa chọn.

 

ĐD Nguyễn Quang Dũng và ekip phim Giải cứu thần chết

Hiểu rất rõ thị trường điện ảnh trong nước và giới hạn của một đạo diễn trong quá trình làm phim, Nguyễn Quang Dũng quan niệm: “Đạo diễn không chỉ đưa ra ý kiến và làm những gì riêng mình thích, vì nhà đầu tư họ có quan điểm của họ. Nhưng đạo diễn cũng không thể vì tiền mà để người khác tung hứng tùy thích”. Đấy là cách tư duy của một người làm nghề chuyên nghiệp.  Anh dứt khoát từ biệt cách nghĩ ít nhiều có tính bảo thủ mà nghệ sĩ ta thường mắc phải, rằng cá nhân mình là nhất, ý tưởng của mình là hay nhất. Anh biết thỏa hiệp, biết bảo vệ ý kiến và biết tìm tự do sáng tạo trong những giới hạn. Và thành công của anh đã minh chứng cho điều đó.

Nguyễn Quang Dũng nói: “Tôi rất mê diễn viên”. Chữ “mê” ở đây được hiểu như một kiểu tình yêu của đạo diễn dành cho nhân vật của mình. Vì diễn  viên là hiện thân của các nhân vật. Dũng “mê” đến độ: “Tìm được diễn viên phù hợp với nhân vật thì coi như phim của tôi đã gần xong”.

Tìm được diễn viên cho vai diễn rồi, vấn đề tiếp theo của Dũng là “nuôi” cảm xúc cho họ. Đối với anh, công đoạn “tập dượt” với diễn viên còn quan trọng hơn cả khi đã bước vào quay chính thức. Nguyễn Quang Dũng cho rằng, cần phải để diễn viên có những khoảng lặng thực sự để họ hình dung, thấm nhuần về kịch bản và vai diễn của họ.

Chỉ đến khi nào diễn viên thực sự sống trong câu chuyện thì phim mới bắt đầu bấm máy. Anh kể: “Khi làm phim “Giải cứu Thần Chết”, tôi đề nghị hai diễn viên Trí Nguyễn và Thanh Hằng thường xuyên trò chuyện với nhau. Tôi cũng chủ động rủ họ đi chơi, nói chuyện với họ, để họ hình dung đậm nét về nhân vật của mình”.



 

Nguyễn Quang Dũng thường nói đùa rằng, đạo diễn là nghề chẳng phải làm gì cả. Nhưng thực ra, đạo diễn chính là người làm tất cả. Anh ta phải đảm bảo một sự thông suốt trong công việc. Đạo diễn phải giống như một kiến trúc sư, một ông vua, một vị tướng – một người có khả năng nhìn tổng thể vấn đề, biết kết nối mọi người trong đoàn làm phim với nhau để mọi thứ trở nên nhịp nhàng. Một người đạo diễn giỏi là người hiểu rằng mình không phải kẻ toàn năng, biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến sáng tạo của mọi người.



Nguyễn Quang Dũng là con trai của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Anh thừa hưởng từ cha mình một tình yêu sâu sắc với nghệ thuật. Ngay từ lúc con nhỏ, Dũng đã được gần gũi những nghệ sĩ tài năng, là những người bạn thân thiết của cha anh. Nhưng chính bởi sự gần gũi ấy mà Dũng cảm nhận được một điều rất quan trọng, rằng, người nổi tiếng thực ra cũng… bình thường thôi.

Để sau này, khi trở thành một người “quen mặt” của điện ảnh, anh cũng không khi nào bị sức ép của hai chữ nổi tiếng đè nặng. Hào quang của nó, nếu có, cũng không làm Dũng lóa mắt. Dũng chỉ bận tâm nhất việc làm thế nào những ý tưởng của mình được đưa lên màn ảnh một cách hoàn chỉnh nhất.

Anh chàng đạo diễn trẻ tuổi này có một sở thích đặc biệt là xem phim hoạt hình. Anh thích những câu chuyện có vẻ hoang đường, khác đời một tí, kinh dị một tí, hài hước một tí. Khán giả thường cho rằng hiện thực trong bộ phim là hư cấu, là không có thật. Nhưng tác giả của những câu chuyện không có thật lại cắt nghĩa: “Nhiều khi tôi thấy đời thực còn vô lý hơn trong phim. Tất cả những gì mình tưởng tượng ra, theo tôi, đều có trong cuộc sống hết. Quan trọng là cách kể chuyện của mình có khiến người ta tin hay không thôi. Những nhân vật trong phim của tôi, kể cả Thần Chết, đều xuất phát từ những mẫu người gần gũi xung quanh, có đôi chút tính cách của tôi”.

 
ĐD Nguyễn Quang Dũng được vinh danh tại BHD Star Cinema

Môi trường làm việc của Nguyễn Quang Dũng có rất nhiều “chân dài”, nhưng anh lại rất kín tiếng trong chuyện tình cảm. Thỉnh thoảng có tin đồn anh “phải lòng” các nữ diễn viên xinh đẹp trong các phim của mình, Dũng chỉ mỉm cười pha trò: “Tôi thích lời đồn này”. Thực tế thì Nguyễn Quang Dũng vẫn đang vui vẻ với cuộc sống độc thân. Anh bận rộn với những dự án làm phim. Và tối tối trở về ngôi nhà, nơi mẹ anh vẫn âm thầm đợi cửa và chờ cơm, vẫn xem anh là cậu con trai bé tí, dại khờ. Nơi ấy, Dũng còn có một người bạn, là cha mình. Họ có thể trò chuyện với nhau về cuộc đời và nghệ thuật.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, bằng cuộc đời viết văn của mình, đã dạy con trai một bài học quan trọng, rằng, khi mình muốn kể một câu chuyện nào đó thì mình phải tin vào nó. Nguyễn Quang Dũng nói: “Tôi luôn tin vào câu chuyện của mình, chuyển nó vào nhân vật và tìm cách sao cho niềm tin ấy cũng sẽ là niềm tin của càng đông khán giả càng tốt. Khi làm phim, chỉ có niềm tin mới giúp mình kể say sưa được”.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều bạn bè gọi Nguyễn Quang Dũng là Dũng “khùng”. Vì những phim anh làm lúc nào cũng có yếu tố hoang đường, nhưng anh lại có niềm tin chắc chắn vào những câu chuyện ấy, và mong muốn khán giả của mình cũng tin vào những chuyện hoang đường ấy. Và thật ngạc nhiên, là Dũng “khùng” đã làm được điều này. Phim của anh mỗi ngày một kéo khán giả đến rạp nhiều hơn. Anh bộc bạch: “Cuộc sống bình thường đã là quá mệt mỏi, và mọi người thì ở trong đó quá nhiều rồi nên phim ảnh phải là một thế giới khác – thế giới mà người ta có thể nương tựa, hay chí ít thấy đôi chút vui vẻ, thoải mái khi sống cùng”.

Với những triết lý làm nghề giản dị mà sâu sắc, Nguyễn Quang Dũng cho ta cảm giác, nghệ thuật không phải là công việc thần thánh, căng thẳng như nhiều người đã nghĩ. Anh ít có những tuyên ngôn nặng nề, và không muốn thứ nghệ thuật mình làm ra phải gánh những gánh nặng quá mức ấy. Anh vui vẻ với công việc của mình và hết lòng với nó. Điều này lý giải vì sao phim của Nguyễn Quang Dũng rất phù hợp với tâm lý khán giả đương thời, đặc biệt là khán giả trẻ – những người không thích áp đặt, không thích sự phức tạp, rắc rối.

Người ít mơ mộng chắc hẳn sẽ không thích xem những phim kiểu như “Nụ hôn Thần Chết”, “Những nụ hôn rực rỡ” của Nguyễn Quang Dũng. Nhưng, nếu mơ mộng chính là một giá trị quan trọng của đời sống tinh thần đang có nguy cơ ngày một mất dần đi, thì Dũng chính là người, bằng lao động nghệ thuật của mình, đang cố gắng tìm lại. Bởi anh tin rằng, không còn sự mơ mộng, thế giới sẽ trở nên già nua đến nhường nào.
 

 Tranh biếm họa ĐD Nguyễn Quang Dũng

 

 

 

  Vũ Quỳnh Trang